Quả sâm sữa Trung Quốc 'cháy hàng': Chủ vườn Việt thắc mắc

Thời gian gần đây, tại các chợ dân sinh và chợ mạng xuất hiện một loại quả hình tròn, màu vàng với nhiều đường kẻ sọc được gọi là sâm sữa nhập từ Trung Quốc.
Tuy chỉ mới xuất hiện một thời gian ngắn trên thị trường, nhưng loại quả này đã được nhiều người tìm mua vì hiếu kỳ.
Ngày 10/12, trao đổi với báo Đất Việt, chị Nguyễn Thị Thu (32 tuổi, Hà Nội) cho biết, do thời gian gần đây khách tìm mua quả sâm sữa này nhiều nên chị đã tìm mối hàng để nhập.
Qua sam sua Trung Quoc 'chay hang': Chu vuon Viet thac mac
Theo lời người bán, quả sâm sữa có vỏ mỏng, lột vỏ rất dễ dàng và bên trong thịt vàng ươm, nhiều nước. Ảnh: VNN
"Quả sâm sữa tôi bán được nhập trực tiếp tại Trung Quốc, hàng chuyển về đến đâu là bán hết đến đó nên không cần phải bảo quản. Do nhập hàng nội địa nên tôi hoàn toàn yên tâm và tự tin khi rao bán", chị Thu nói.
Theo chị Thu, mỗi ngày chị bán 50-70 kg sâm sữa, giá bán 30-35.000 đồng/kg. Sâm sữa Trung Quốc có vị ngọt thanh thanh, mát, nhiều nước, ăn rất dễ chịu. Đặc biệt loại quả này có vị thơm, chỉ cần bóc lột vỏ là ăn được ngay.
Đáng chú ý, vì mới xuất hiện tại Việt Nam nên quả sâm sữa tạo thành cơn sốt, được mọi người tranh nhau mua ăn. Người mua hiếu kỳ, muốn nếm thử mùi vị của chúng như thế nào.
Trong khi đó, cùng ngày, chia sẻ về loại quả này, anh Nguyễn Văn Cương (42 tuổi, Đà Lạt, Lâm Đồng) cho biết, chỉ có người Trung Quốc gọi quả này là sâm sữa, còn ở Việt Nam gọi quả đó là dưa pepino.
"Tôi trồng dưa pepino này đã 3 năm và chủ yếu bán sỉ tại vườn. Dưa pepino ở Đà Lạt có vị thanh mát, không ngọt như dưa Trung Quốc.
Trọng lượng quả dưa tôi trồng cũng to hơn dưa Trung Quốc. Trung bình 1kg khoảng 3 quả, trong khi hàng Trung Quốc chưa được 1 lạng/quả", anh Cương nói.
Qua sam sua Trung Quoc 'chay hang': Chu vuon Viet thac mac
Loại sâm sửa quả tròn bán trên thị trường hiện nay đều là hàng nhập từ Trung Quốc. Ảnh: VNN
Anh Cương cho rằng, để trồng được vườn dưa pepino bán ra thị trường, anh phải chăm bón rất công phu. Ngoài trồng giống dưa này anh còn trồng thêm dâu tây nên phải đầu tư cả hệ thống tưới nhỏ giọt vừa tiết kiệm nước lại không ảnh hưởng đến chất lượng quả.
"Do tôi có hệ thống tưới rồi nên mỗi lần bón phân hay thuốc đều được làm qua đường tưới này chứ không bơm trực tiếp vào thân cây. Hơn nữa, mỗi lần bơm thuốc là tôi phải tính ngày để đảm bảo nguồn hàng sạch cung cấp ra thị trường.
Cung cấp hàng cho dân mình nên không thể làm liều, vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả sự nguy hiểm đến tính mạng", anh Cương cho biết.
Cũng theo anh Cương, dưa pepino sau khi được cắt khỏi cây không nên để quá lâu vì như thế sẽ làm độ tươi và ngọt bị giảm nhiều.
Nói về giá dưa pepino Việt Nam so với hàng Trung Quốc, chủ vườn dưa này thắc mắc: "Tôi bán tại vườn giá sỉ đã 40.000 đồng/kg, không bao giờ có giá 30-35.000 đồng.
Trong khi những người mua sỉ tại vườn nhà tôi rồi bán lẻ cũng phải 70-75.000 đồng/kg, không có giá thấp hơn. Không hiểu sao nhiều thương lái nhập hàng từ Trung Quốc về qua bao nhiêu khâu đoạn mà bán giá rẻ như vậy".
Được biết, các nhà vườn tại Đà Lạt trồng loại dưa pepino có hình thuôn dài (hơi giống hình bầu dục) chứ không tròn xoe như dưa pepino Trung Quốc.
Loại dưa này được trồng ở Đà Lạt vài năm gần đây nhưng số lượng chưa nhiều, chỉ mới có vài nhà vườn trồng nên nguồn cung ra thị trường vẫn còn khan hiếm.

Theo báo: baodatviet.vn

Comments

Popular posts from this blog

Nâng cao giá trị cà phê Việt

Bỏ lương 20 triệu, liều cầm nhà vay tiền trồng lan, lãi hơn 2 tỷ/năm