Phát triển bền vững nông nghiệp Đồng Tháp Mười

Vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) có diện tích khoảng 730.000ha, chiếm 70% diện tích của 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, chiếm 18% diện tích ĐBSCL.
 Đây là vùng đồng trũng với 42% diện tích là đất phèn, đất nông nghiệp chiếm 78%, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, hệ sinh thái phong phú. Tuy nhiên, thời gian qua, nông nghiệp vùng ĐTM chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế, cần chính sách “nâng cấp” toàn diện.
Phát triển bền vững nông nghiệp Đồng Tháp Mười ảnh 1Nông dân vùng Đồng Tháp Mười (huyện Tân Hưng, Long An) thu hoạch lúa. Ảnh: HẢI PHONG
 Tiềm năng lớn
Khoảng 30 năm trở lại đây, từ sau chương trình khai phá ĐTM, vùng đất này đã phát triển khá toàn diện về hệ thống hạ tầng thủy lợi, kiểm soát lũ, giao thông, ứng dụng khoa học - công nghệ, đem lại thành tựu đáng kể cho nền nông nghiệp, trong đó, trồng trọt chiếm tỷ trọng lớn nhất về diện tích và giá trị sản xuất.
Vùng ĐTM có lợi thế lớn về vị trí địa lý, không gian kinh tế mở, lịch sử - văn hóa, thể chế liên kết hợp tác phát triển, đặc biệt là sinh thái. Hệ sinh thái ngập nước theo mùa, tài nguyên sinh vật đa dạng rất đặc trưng, tiểu vùng có hai khu Ramsar đất ngập nước của thế giới và các khu bảo tồn khác do địa phương quản lý. Là điều kiện tiền đề để phát huy những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng cho thị trường trong và ngoài nước, đồng thời, kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái.
Bên cạnh đó, bình quân diện tích đất canh tác nông nghiệp ở vùng ĐTM khá lớn, dễ áp dụng cơ giới hóa, giảm giá thành, tạo lượng hàng hóa lớn và ổn định, đáp ứng đầy đủ việc phát triển công nghiệp chế biến và thị trường.
Hiện ĐTM có 350.000ha đang canh tác, chủ yếu là lúa với tổng sản lượng trên 3 triệu tấn/năm, đóng góp 20% lượng gạo xuất khẩu của ĐBSCL. Cây lúa ĐTM đang trong tình trạng diện tích tăng, sản lượng tăng nhưng hiệu quả sản xuất giảm. Nguyên nhân là do việc đẩy mạnh diện tích lúa vụ 3, khó tránh lũ và tránh hạn lẫn mặn xâm nhập. Ngoài ra, cả vùng còn khoảng 100.000ha cây ăn trái, nhưng phần lớn đều là giống cũ, tăng diện tích nhanh nhưng không chuyên canh, thu hoạch đồng loạt nên khó tiêu thụ, hiệu quả kinh tế không cao. 
Theo các chuyên gia, vùng ĐTM đang đối mặt với khá nhiều thách thức lớn do thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thay đổi xu hướng thị trường mang lại. Phát triển thủy điện, gia tăng nguồn sử dụng nước đầu nguồn làm thay đổi dòng chảy của sông Mê Công, nhất là vào mùa khô, lượng phù sa giảm và tài nguyên thủy sản bị hạn chế.
Chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển theo xu hướng đa dạng sản xuất tăng nguy cơ trùng lắp và cạnh tranh nội bộ giữa các địa phương, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, kinh tế của vùng có thể làm chênh lệch phát triển kinh tế - xã hội giữa tiểu vùng ĐTM với các tiểu vùng khác ngày càng nhiều. Các địa phương có khả năng lợi nhuận “đụng trần” từ sản xuất nông nghiệp nên ảnh hưởng đến việc phát huy tính đặc trưng với lợi thế của tiểu vùng. 
Cần giải pháp phát triển bền vững
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ), trước các thách thức trên, tiểu vùng ĐTM cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao do Chính phủ đề ra, định hướng sản xuất nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm đặc trưng dựa trên lợi thế, đặc biệt giá trị bản địa và hệ sinh thái đất ngập nước. Thay đổi sản xuất theo thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào trồng trọt, tăng phát triển công nghiệp - dịch vụ nông nghiệp để bổ trợ cho tiểu vùng. 
Theo ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), nhu cầu thị trường tăng không ngừng về quy mô lẫn chất lượng, đầu tiên sản phẩm phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ. Tiểu vùng ĐTM phát triển nông nghiệp phải theo chuỗi giá trị liên kết, xây dựng các kênh, chuỗi tiêu thụ mới có sự kiểm soát tốt hơn về chất lượng sản phẩm, truy xuất được nguồn gốc. Địa phương chuẩn hóa các chợ dân sinh, chợ đầu mối truyền thống, giảm các chợ tự phát.
Đồng thời, tỉnh cần phải ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cả về số lượng để đáp ứng thị trường, xây dựng nông nghiệp theo hướng bền vững, ưu tiên liên kết tạo chuỗi giá trị để tăng năng suất, cạnh tranh, tăng lợi nhuận, giảm giá thành của sản phẩm.
Theo lãnh đạo các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, định hướng phát triển nông nghiệp của tiểu vùng ĐTM phải hướng tới công nghiệp - dịch vụ nông nghiệp, tạo ra sản phẩm chế biến cho đa dạng phân khúc thị trường, nhằm tăng thêm giá trị hơn là chỉ chú trọng vào khâu sản xuất.
Các tỉnh trong vùng phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật thông minh vào sản xuất nông nghiệp để giảm giá thành và quản lý hiệu quả. Phát triển sản xuất nông nghiệp ở tiểu vùng ĐTM phải hướng tới yếu tố chất lượng, sinh thái môi trường gắn với dịch vụ nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh quá trình liên kết phát triển bền vững tiểu vùng ĐTM giữa 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An. Vấn đề chính là cần tập trung tìm ra giải pháp, nhằm phát triển hài hòa kinh tế - xã hội của 3 tỉnh tiểu vùng.
Cần liên kết cải tiến chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, trái cây và thủy sản; chương trình liên kết phát triển du lịch sinh thái; chương trình bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học; chương trình cấp nước sạch nông thôn và chương trình phát triển cơ sở hạ tầng (điện, thủy lợi, giao thông)... để tạo sự bền vững cho người dân yên tâm sản xuất và phát triển du lịch sinh thái, tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm nông sản, từng bước giảm diện tích lúa vụ 3 và duy trì diện tích lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.
Theo báo: SGGP

Comments

Popular posts from this blog

Nâng cao giá trị cà phê Việt

Quả sâm sữa Trung Quốc 'cháy hàng': Chủ vườn Việt thắc mắc

Bỏ lương 20 triệu, liều cầm nhà vay tiền trồng lan, lãi hơn 2 tỷ/năm