Kỳ diệu "ốc đảo xanh" giữa sa mạc Israel
Từ những vùng đất đai cằn cỗi với khí hậu khắc nghiệt quanh năm, người Israel đã biến chúng thành các nông trại xanh tươi, trù phú. Những "ốc đảo nhân tạo" này được xem là một điều kỳ diệu tại Israel, một trong những quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến nhất thế giới.
Cây cối xanh tươi bên trong "ốc đảo" Kalia ở Israel. Kalia nằm ở chân sa mạc Judean, gần khu hang động Qumra và cách Biển Chết vài km.
Kalia xưa kia là vùng đất đai hoang vu, khô cằn. Người Israel đã sử dụng kỹ thuật khoa học tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp để biến những vùng đất khô cằn thành "ốc đảo" xanh và trú phú. Các "ốc đảo" như Kalia được gọi là kibbutz.
Kibbutz là hình thức hợp tác xã của người Do Thái, nơi các cư dân cùng sinh hoạt và sản xuất. Kibbutz đầu tiên được thiết lập vào đầu thế kỷ 20, khi các nhóm người Do Thái phiêu bạt khắp thế giới trở về vùng đất Israel ngày nay.
Người Do Thái hỗ trợ, bảo vệ, bao bọc nhau tại các cộng đồng kibbutz trong những ngày đầu trở về. Trong quá trình hình thành và phát triển các kibbutz, cư dân cùng nhau khai hóa đất hoang, trồng trọt và chăn nuôi để phục vụ chính các thành viên của cộng đồng. Vì vậy, kibbutz được xem đóng vai trò quan trọng trong lịch sử của Israel.
Anh Asaf Ofer, một thành viên tại Kalia, chỉ vào một bức ảnh chụp kibbutz thời kỳ đầu mới hình thành vào những năm 1960.
Anh Asaf Ofer cho biết sau khi nhà nước Israel được thành lập năm 1948, chính phủ muốn tập trung phát triển các kibbutz giống các vùng kinh tế mới, bởi vậy chính phủ hỗ trợ rất nhiều cho các cộng đồng kibbutz, như về đất đai, giáo dục, thuế, cơ sở hạ tầng...
Kalia hiện có khoảng 400 cư dân sinh sống. Mỗi kibbutz thường có các khu vực công cộng như nhà ăn, trường học, khu vui chơi, bể bơi. Nhà ăn phục vụ bữa trưa cho toàn thể các thành viên của cộng đồng.
Những bức ảnh hiếm hoi của Kalia thời kỳ đầu được treo tại nhà ăn tập thể.
Ngay tại các kibbutz đều có trường học dành cho học sinh đến cấp 2.
Khu vui chơi cho trẻ em tại Kalia.
Khu nhà dành cho các gia đình sinh sống tại kibbutz. Mỗi gia đình có những khoảnh vườn nhỏ để trồng rau và cây cối.
Không gian sinh hoạt của một gia đình tại Kalia.
Anh Asaf Ofer cho biết khí hậu tại Israel rất khắc nghiệt, quanh năm ít mưa, nắng nhiều. Vào mùa hè nhiệt độ có thể lên tới 49-50 độ C.
Vì vậy, hệ thống xử lý nước, dẫn nước và tưới tiêu thông minh được xem là "chìa khóa" để nuôi dưỡng sự trù phú tại các kibbutz.
Hệ thống tưới nhỏ giọt được áp dụng ngay tại các khu vườn gia đình, diện tích nhỏ như ở Kalia. Israel, một quốc gia có phần lớn diện tích là sa mạc và khan hiếm nước sạch tự nhiên, là nước đi đầu trong việc ứng dụng rất thành công công nghệ tưới nhỏ giọt vào nông nghiệp để tiết kiệm nước.
Anh Asaf Ofer cho biết doanh thu từ xuất khẩu quả chà là là một trong những nguồn thu chính của Kalia. Cây chà là phù hợp với khí hậu nóng và khô. "Chúng tôi có thể sản xuất ra loại chà là thượng hạng, quả to và rất ngon. Khoảng 95% lượng chà là được xuất sang thị trường châu Âu", anh Asaf Ofer nói.
Quả chà là được xem là một đặc sản của vùng Trung Đông. Người Ả rập và Hồi giáo đặc biệt thích ăn quả chà là, đặc biệt trong tháng ăn chay Ramadan, vì loại quả này giàu năng lượng nên giúp họ có thể nhịn đói cả ngày.
Kalia có khu vực nuôi bò sữa quy mô, nơi những con bò nhập khẩu từ nước ngoài được nuôi dưới các khu nhà chống nóng được trang bị hệ thống phun sương giải nhiệt.
Một người đàn ông Thái Lan đang làm việc tại khu vực vắt sữa bò. Anh Asaf Ofer cho hay Kalia không chỉ có các lao động địa phương mà còn các lao động nước ngoài như Thái Lan, Palestine.
Trong những năm gần đây, khi du lịch phát triển, các kibbutz còn là điểm đến của nhiều khách du lịch tới tham quan và trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương. Kalia cũng có các phòng nghỉ phục vụ du khách.
Theo báo: Dantri.vn
Comments
Post a Comment