Quy hoạch Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Quy hoạch Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến của các đại biểu, trong đó vấn đề trọng tâm được đề cập đó là bảo đảm tính khả thi của Quy hoạch trên cơ sở phát huy tốt các lợi thế cạnh tranh về sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Cây cam, quýt của nông dân xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) là sản phẩm được đưa vào Quy hoạch Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh
Theo Dự thảo Đề án Quy hoạch Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đắk Nông đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035 thì các vùng sản xuất tập trung các loại cây, con gồm: Thị xã Gia Nghĩa: Cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả; Đắk Glong: Cà phê, hồ tiêu, bò thịt, bò sinh sản, cá nước ngọt; Đắk Mil: Cà phê, cây ăn quả, giống thủy sản; Krông Nô: Cà phê, ngô, bò thịt, bò sinh sản, cá nước ngọt, lúa; Đắk Song: Cà phê, hồ tiêu, rau củ quả; Đắk R’lấp: Cà phê, hồ tiêu, gia cầm, heo; Tuy Đức: Cà phê, hồ tiêu, bò thịt, bò sinh sản, rau củ quả.
Đề án Quy hoạch Vùng Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Đề án) do Sở Nông nghiệp - PTNT thực hiện được đánh giá là mang tính cấp thiết, đáp ứng các tiêu chí vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của toàn quốc. Đề án đề cập những vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao để sản xuất một hoặc một số sản phẩm hàng hóa có lợi thế của vùng đạt năng suất, chất lượng cao.
Về tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, Đề án nhấn mạnh vấn đề liên kết theo chuỗi giá trị từ những đầu mối như doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã... Công nghệ ứng dụng trên quy mô công nghiệp trong Quy hoạch nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị của sản phẩm và tăng năng suất lao động. Đề án quy hoạch đưa ra các giải pháp về quy hoạch chi tiết, cơ chế chính sách, thông tin tuyên truyền, đào tạo nguồn lực, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm đạt hiệu quả mong muốn.
Theo Dự thảo Đề án quy hoạch rau xanh sẽ được quy hoạch sản xuất tập trung tại 2 huyện Tuy Đức và Đắk Song. Ảnh tư liệu
Góp ý tại hội thảo, theo nhiều đại biểu, số vùng và diện tích mà Đề án nêu là khá lớn trong điều kiện của tỉnh còn khó khăn về nguồn lực. Nếu đề án được phê duyệt đi vào triển khai sẽ khó đáp ứng về nguồn lực thực thi, nhất là về vốn dẫn đến đầu tư dàn trải. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng nên chăng Đề án cần phân kỳ cụ thể, thu hẹp diện tích, làm điểm từng vùng, từng khu vực, một số sản phẩm nổi bật trước để tạo sự tập trung trong nguồn lực, đồng thời sơ kết đúc rút những kinh nghiệm khi mở rộng.
Theo ông Lê Viết Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song thì Đề án đưa ra con số đến năm 2035, riêng Đắk Song có 2 vùng sản xuất hồ tiêu với diện tích 600 ha. Thực tế thì điều này sẽ khó khả thi, không sát với thực tế bởi hiện nay huyện đã có khoảng 500 ha đang sản xuất theo các tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, tức đã  có ứng dụng công nghệ cao. Định hướng của huyện đến 2020 phấn đấu khoảng 3.000 ha hồ tiêu sản xuất an toàn theo chuẩn VietGAP. Như vậy, quy hoạch vùng sẽ đi sau quy hoạch, định hướng của địa phương, không sát với thực tế phát triển. Cùng với đó, quy hoạch cũng nêu lên lí do chọn vùng quy hoạch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là tích tụ ruộng đất, đây là điều khó đạt được đối với cây hồ tiêu và các loại cây công nghiệp khác vì lí do vị trí địa lý, địa hình, tâm lý của người dân.
Ông Sinh đề nghị, để phát triển hồ tiêu bền vững, quy hoạch của tỉnh về phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bên cạnh các khâu khác nên chú trọng đúng mức đối với vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu. Đến nay, thương hiệu tập thể về hồ tiêu Đắk Song đã được công nhận nhưng việc phát huy hiệu quả vẫn chưa cao. Quy hoạch nên tận dụng điều này, đưa ra lộ trình để nâng cao, phát huy thương hiệu. Làm được điều này thì quy hoạch sẽ bảo đảm được tính khả thi, nhân dân ủng hộ.
   
Quy hoạch phải dựa trên những cơ sở khoa học
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: "Đề án Quy hoạch Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần bảo đảm được tính khả thi, chỉ rõ tại sao chọn vùng này, sản phẩm này mà không chọn vùng khác, sản phẩm khác chứ không phải làm theo kiểu bề nổi, gán ghép. Nếu chúng ta chủ quan thì sẽ "dẫm vào vết xe đổ" của các quy hoạch khác, đó là quy hoạch không sát thực tế, quy hoạch cho có, còn dân không quan tâm và hệ quả là nhà nước không thể quản lý. Vì thế, Quy hoạch phải dựa trên những cơ sở khoa học, gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đồng thời được người dân ủng hộ, thực hiện".
 
     
Tương tự, đối với vấn đề quy hoạch về cây ăn quả cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Theo đó, đến 2035, toàn tỉnh có 8 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung với diện tích 2.500 ha. Nhiều người cho rằng đối với cây ăn quả, quy hoạch vẫn chưa đánh giá đúng, một số sản phẩm bị bỏ sót.
Ông Nguyễn Minh Châu, Nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng: Cây ăn quả, nhất là sầu riêng, chanh dây, cam, quýt, bơ của Đắk Nông rất có lợi thế phát triển nhưng quy hoạch vẫn theo kiểu chung chung. Đây là một lợi thế cạnh tranh của tỉnh so với các địa phương khác, theo đó quy hoạch cần quan tâm đến vấn đề công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu chứ không phải là sơ chế. Đây có lẽ là khâu yếu nhất của sản phẩm cây ăn quả Đắk Nông làm giảm năng lực cạnh tranh trên thị trường. Quy hoạch của địa phương phải nêu ra lộ trình cụ thể cho vấn đề này, từ sản phẩm nào, nội dung công việc gì gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút doanh nghiệp, cơ chế khuyến khích đầu tư rõ ràng.
Cũng về vấn đề này, ông Bùi Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, về quy hoạch phát triển vùng cây ăn quả đúng là lợi thế cạnh tranh nhưng giải pháp mà Đề án đưa ra chưa khả thi. Ví dụ Đề án nêu ra phát triển diện tích ở xã Đắk Nia là 300 ha cây ăn quả nhưng hiện nay toàn xã mới có 100 ha. Tuy nhiên, Đề án lại chưa đưa ra giải pháp cụ thể thời gian chuyển đổi từ cây trồng khác sang như thế nào, vận động nhân dân ra sao...
Theo báo: baodaknong.org.vn

Comments

Popular posts from this blog

Vật tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Máng tưới, giá để cây cũng phải nhập khẩu

DN loay hoay với bộ tiêu chí xác định dự án nông nghiệp công nghệ cao

Xây dựng mô hình 6000m2 trồng cà chua công nghệ cao tại Cẩm Mỹ