Cần học“ông thầy”thị trường khi đầu tư nông nghiệp công nghệ cao
HKM FARM | http://hmkfarm.com/
Khi nghiên cứu công nghệ, các nhà khoa học cũng phải tính luôn hiệu quả kinh tế để thu hút doanh nghiệp đầu tư.
Và chỉ khi người nông dân và doanh nghiệp tiếp thu được công nghệ thì khi đó nền nông nghiệp mới phát triển được.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng cho biết như trên tại Diễn đàn Công nghệ Xanh – Nông nghiệp Sạch diễn ra trong khuôn khổ sự kiện Trình diễn và kết nối cung cầu công nghệ (TechDemo) năm 2017 được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng ngày 23/11/2017.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng chia sẻ tại Diễn đàn (ảnh: Nguyễn Đông) |
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách đổi mới công nghệ
Tại Việt Nam, ngành nông nghiệp có vai trò quan trọng khi tạo việc làm cho 30 triệu lao động, chiếm 40% tổng việc làm cho lao động cả nước. Để phát trỉển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII chỉ rõ định hướng “xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu”.
Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) công bố tháng 4/2017 đưa ra phân tích cho thấy, cải cách chuyển đổi nền nông nghiệp, làm cho nông nghiệp trở nên hiệu quả và bền vững hơn là chìa khóa để nâng cao tăng trưởng GDP cho Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao. Sự chuyển đổi nông nghiệp theo hướng này đòi hỏi phải đổi mới chính sách như thúc đẩy sản xuất - chế biến - phân phối sản phẩm nông nghiệp trên nền tảng áp dụng công nghệ, thúc đẩy cạnh tranh trong chuỗi cung ứng nông nghiệp để giúp người nông dân đạt thu nhập cao hơn...
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội ((thứ hai, từ trái qua) cùng ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ KH&CN (thứ ba từ phải qua), ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ KH&CN (bên trái, ngoài cùng) tham quan khu trưng bày tại TechDemo 2017 (ảnh: TH) |
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã tổ chức các hoạt động Trình diễn và Kết nối cung - cầu công nghệ tại các vùng và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ như: Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025; Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) và nhiều chương trình chính sách khác của Bộ KH&CN đã và đang được triển khai nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn có năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao.
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, cốt lõi của vấn đề đổi mới công nghệ của doanh nghiệp nông nghiệp chính là sự kết nối hiệu quả giữa công nghệ mới, công nghệ cao với doanh nghiệp nông nghiệp. Bên cạnh đó, nguồn cung cho doanh nghiệp nông nghiệp đổi mới công nghệ chính là các sáng kiến KH&CN hay công trình nghiên cứu từ các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu.
Tại Diễn đàn các chuyên gia đã thảo luận về xu hướng đầu tư và chính sách phát triển công nghệ trong nông nghiệp (ảnh: TH) |
Chỉ rõ lợi nhuận cho DN khi đầu tư nông nghiệp công nghệ cao
Tại Diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, muốn áp dụng khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp thì cần chỉ rõ lợi nhuận cho doanh nghiệp. "Tôi rất trăn trở là đất nước chúng ta số lượng nông dân làm nông nghiệp đang rất nhiều. Đóng góp của nông nghiệp trong thời gian qua là hết sức quan trọng. Nhưng đến thời điểm này, việc ứng dụng công nghệ mới chưa nhiều", Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, từ áp dụng KH&CN, nông nghiệp tạo ra được giống tốt, quy trình tốt, thu hoạch, bảo quản, chế biến tốt thì mới tạo ra được sản phẩm có uy tín và chất lượng, giá thành hạ thì khi đưa ra thị trường mới đảm bảo và có sức cạnh tranh. Vai trò của công nghệ trong phát triển nông nghiệp ở Việt Nam là hết sức quan trọng.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam cho rằng, vấn đề quan trọng để phát triển KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp là các nhà khoa học cần được "đặt hàng", phải biết doanh nghiệp và nông dân đang cần gì để bắt tay vào nghiên cứu cái đó, như thế mới giải quyết được thực tiễn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao, làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do thương mại toàn cầu đang tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp. Do đó, việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phát triển nền nông nghiệp bền vững, năng suất hiệu quả chất lượng với hàm lượng công nghệ cao thực sự cần thiết.
Theo báo: baodatviet.vn
Comments
Post a Comment