Cà phê Sơn La: Giá thấp do chưa có thương hiệu

Theo ông Nguyễn Xuân Tùng - Chủ nhiệm Hợp tác xã càphê Bích Thao (Sơn La), càphê Sơn La ngon nhưng chưa có thương hiệu nên giá bán còn thấp. Ông tin rằng khi được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, càphê Sơn La sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để nâng cao giá trị sản phẩm.
Người dân thu hoạch càphê ở Sơn La. Ảnh: Minh Anh
Người dân thu hoạch càphê ở Sơn La. Ảnh: Minh Anh
Kỹ thuật thu hái đặc trưng
Ngày 27/10 vừa qua, càphê Sơn La đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trao chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Sơn La” cho sản phẩm càphê. Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Sơn La là đơn vị quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Theo ông Nguyễn Xuân Tùng - Chủ nhiệm Hợp tác xã càphê Bích Thao (Sơn La), càphê Sơn La được sản xuất từ giống càphê Arabica, hay còn gọi là càphê chè. Các sản phẩm được đưa ra thị trường là càphê nhân, càphê hạt rang và càphê bột. Đặc điểm dễ nhận thấy của càphê Sơn La là sau khi pha, nước có màu nâu cánh gián, trong và có vị chua thanh, đắng nhẹ, hậu vị lâu.
“Nhiều người uống thích càphê Sơn La bởi vị ngọt, mùi thơm như coca, hoặc có hương trái cây đặc trưng” - theo ông Tùng. Có được hương vị độc đáo này là do chế biến. “Càphê sau khi được thu hoạch sẽ được bóc hết thịt quả tươi, ngâm ủ rồi dùng nước đãi sạch hết thịt vỏ, rồi đem đi phơi khô bằng ánh nắng mặt trời. Việc làm khô bằng ánh nắng mặt trời, không sử dụng phương pháp sao, sấy khiến cho càphê Sơn La lưu giữ lại được hoàn toàn hương vị tự nhiên” - ông Tùng cho biết.
Nói về kinh nghiệm của người dân trong quá trình canh tác để có sản phẩm đạt chất lượng cao, đồng đều, ông Nguyễn Xuân Tùng chia sẻ: “Người dân thường thu hoạch thủ công, chọn quả chín để hái chứ không tuốt cành. Đây là kỹ thuật khá đặc biệt so với nhiều vùng trồng càphê khác”.
Nguyên nhân khiến phương thức thu hoạch này được triển khai vì ở Sơn La, cây càphê thường được trồng ở vùng đồi, có độ dốc lớn, kích thước cây không lớn, vừa tầm người hái. Trái càphê sau khi thu hoạch về được chế biến ướt và phơi khô tự nhiên bằng ánh nắng mặt trời. Đây cũng là yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng và sự đồng đều của sản phẩm đầu ra.
Mong chỉ dẫn địa lý nâng cao thương hiệu
Là một trong những vùng trọng điểm càphê chè của cả nước, Sơn La đang cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 tấn mỗi năm. Tính đến tháng 9/2017, Sơn La có khoảng gần 13ha trồng càphê, tập trung ở 3 địa phương là thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn và huyện Thuận Châu.
Hiện nay đã có nhiều hộ dân tại Sơn La ứng dụng mô hình tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân hòa tan theo công nghệ Israel cho cây càphê tại Chiềng Ban (Mai Sơn), Chiềng Cọ (thành phố Sơn La) và Phổng Lái (Thuận Châu) giúp cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, quả to, đều. Nhờ vậy, thu nhập bình quân của hộ áp dụng hệ thống tưới tiêu này đạt 130 triệu đồng/ha/năm - tăng 30 triệu đồng với với các hộ không sử dụng công nghệ này.
Theo ông Hà Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở KH&CN Sơn La, với chất lượng ngon và hương vị đặc trưng, càphê Sơn La được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và một số nước châu Âu. Càphê đã trở thành cây thoát nghèo của nhiều hộ gia đình, với thu nhập bình quân từ 100-200 triệu đồng/năm.
Tuy vậy, đại diện Hợp tác xã càphê Bích Thao cho biết, dù ngon và được ưa chuộng nhưng do chưa có thương hiệu nên giá bán vẫn còn thấp. Ông dẫn chứng, với loại càphê nhân, sản phẩm của Sơn La có giá 70.000 đồng/kg, nhưng sản phẩm càphê của Cầu Đất (Lâm Đồng) được bán dao động khoảng 100.000 đồng/kg, dù chất lượng tương đương do càphê Cầu Đất đã có thương hiệu từ lâu còn sản phẩm càphê Sơn La chưa có thương hiệu.
“Tôi kỳ vọng việc được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý sẽ giúp càphê của Sơn La có đà để xây dựng thương hiệu từ đó nâng cao giá trị cho sản phẩm” - ông Tùng nói.
Để phát triển sản phẩm càphê Sơn La, hiện UBND tỉnh Sơn La đã phối hợp với Công ty cổ phần Phúc Sinh xây dựng Nhà máy càphê Phúc Sinh. Hiện nhà máy đã được khởi công xây dựng nhằm hình thành hệ thống tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến và tạo ra sản phẩm càphê đạt chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhà máy có công suất 20.000 tấn quả tươi/ vụ, hệ thống xát và phân loại công suất 4.000 tấn càphê nhân/vụ.
Bên cạnh đó, Hiệp hội càphê Sơn La cũng được thành lập và là đơn vị phối hợp với doanh nghiệp triển khai các chương trình đưa sản phẩm vào siêu thị, giới thiệu càphê tại các gian hàng, trung tâm thương mại trên cả nước.

Theo báo: khoahocphattrien.vn

Comments

Popular posts from this blog

Vật tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Máng tưới, giá để cây cũng phải nhập khẩu

DN loay hoay với bộ tiêu chí xác định dự án nông nghiệp công nghệ cao

Xây dựng mô hình 6000m2 trồng cà chua công nghệ cao tại Cẩm Mỹ