Nông nghiệp 4.0 đang thực hiện ở Việt Nam chưa hoàn chỉnh!
HKM FARM | http://hmkfarm.com/
Lần đầu tiên một startup (khởi động) công nghệ Việt đã niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ (30/5/2017) tại Mỹ.
Đây là cột mốc tiến vào cách mạng công nghiệp 4.0 của doanh nghiệp Việt. Nhiều người Việt đã từng tự hào với các nông sản như gạo, trà, cà phê xuất khẩu khắp thế giới. Nay bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số, chúng ta sẽ có những sản phẩm công nghệ mang giá trị toàn cầu...
Theo đánh giá của ông Vũ Minh Trí - Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam (VnMedia 24/4/2017), phần mềm phục vụ chăn nuôi hay ươm trồng như SmartChick là công cụ công nghệ rất được mong đợi… SmartChick là sản phẩm phục vụ nuôi gà thông minh, giúp người dùng chăm sóc gà theo đúng quy trình an toàn sinh học. Người dùng không cần nhiều kiến thức và kinh nghiệm vẫn có thể thu được những con gà chất lượng nhất sau thời gian nuôi. SmartChick hoạt động tự động hoặc bán tự động thông qua công nghệ IoT, giúp người dùng chăm sóc gà ở bất kỳ lúc nào và bất cứ nơi đâu thông qua internet.
Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ đang được triển khai ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung của nước ta. Dự án này sẽ cải thiện đáng kể hệ thống nông nghiệp có tưới trong điều kiện thiếu nước sản xuất trầm trọng như hiện nay, giúp nông dân sản xuất thuận lợi hơn, góp phần tăng năng suất cây trồng, ổn định đời sống và phát triển nông nghiệp bền vững.
Công ty Agrivina - Dalat Hasfarm® tiên phong nhập các giống hoa lạ, cây giống chất lượng cao từ các nhà cung cấp giống uy tín tại Hà Lan và châu Âu để phát triển tại Đà Lạt. Công ty đã đầu tư và ứng dụng công nghệ trồng hoa trong nhà kính hiện đại, các chế độ chăm bón, điều chỉnh gió, độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng đều được lập trình và theo dõi bằng máy tính.
Năm 1994, ông Thomas Hooft - Tổng giám đốc công ty TNHH Agrivina - khởi đầu dự án trồng hoa tại Đà Lạt. Năm 2003, Agrivina - Dalat Hasfarm® được đánh giá là một trong 5 dự án nước ngoài đầu tư hoạt động hiệu quả nhất trên đất Đà Lạt. Từ năm 2004, Dalat Hasfarm® được vinh dự trở thành thành viên duy nhất của Hiệp hội hoa Thế giới. Năm 2010, Dalat Hasfarm® đã đạt con số gần 100 triệu cành hoa các loại, trong đó 30% sản lượng phục vụ nhu cầu trong nước, 70% sản lượng được xuất khẩu đến các thị trường như Nhật Bản, Úc, Singapore, Đài Loan, Indonesia.
Sau 8 năm triển khai dự án, Tập đoàn TH True Milk đã xây dựng trang trại bò sữa ứng dụng công nghệ cao lớn nhất châu Á với quy mô hơn 45.000 con bò. Với dự án sữa tươi sạch, tập đoàn TH đã thực hiện cuộc cách mạng trong ngành sữa, tỷ lệ sữa nước chế biến từ sữa tươi tăng từ 8% năm 2008 lên hơn 30% hiện nay. Trước đó, Control Union đã cấp chứng nhận hữu cơ châu Âu và Mỹ cho 37 loại rau sạch của trang trại FVF và 5 loại dược liệu của trang trại Dược liệu TH - 2 thương hiệu thực phẩm thuộc tập đoàn TH.
Vinamilk đầu tư công nghệ cao vào nhiều trang trại bò sữa. Hiện Vinamilk đã chiếm lĩnh phần lớn thị trường sữa trong nước: khoảng 55% thị phần sữa nước, 85% thị phần sữa chua, 80% thị phần sữa đặc, 40% thị phần sữa bột trẻ em. Toàn bộ hệ thống trang trại được xây dựng khép kín, tự động hóa với giống bò được tuyển chọn kỹ lưỡng nhằm đem đến năng suất sữa cao nhất. Với vai trò đầu tàu trong phát triển ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam, Vinamilk hiện có 10 trang trại trong đó có 7 trang trại theo chuẩn GlobalGAP trang bị công nghệ cao và 3 trang trại khác đang được công ty xây dựng. Tổng đàn bò sữa của Vinamilk đạt xấp xỉ 120.000 con. Năm 2016, Vinamilk mở rộng tổ hợp các trang trại bò sữa công nghệ cao tại Thanh Hóa. Tổ hợp được đầu tư xây dựng với công nghệ và máy móc thiết bị hiện đại nhất của thế giới trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa: Công nghệ chăn nuôi tiên tiến, giúp tối ưu hóa công việc vận hành khi trang trại đi vào hoạt động; Hệ thống làm mát dạng phun tắm tự động; Hệ thống dự trữ thức ăn, chế biến thức ăn được đầu tư hết sức đồng bộ; Hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm, quản lý đàn, hỗ trợ sinh sản, giám sát sức khỏe cũng hoàn toàn tự động, điều khiển bằng máy tính và các dữ liệu được truyền tải về trụ sở chính của công ty tại TP.HCM.
VinEco thuộc tập đoàn VinGroup, tham gia thị trường từ tháng 3/2015, đã nhanh chóng trở thành thương hiệu rau an toàn được người tiêu dùng yêu thích và tin tưởng. Với sự đầu tư bài bản của Tập đoàn Vingroup, VinEco có khả năng triển khai sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn và áp dụng các công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển như Nhật Bản và Israel, nhằm tối ưu hóa hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Đến nay, VinEco đã có gồm 3 vùng sản xuất lớn ở miền Bắc, miền Nam, Lâm Đồng, với 14 nông trại đã và đang chuẩn bị đưa vào canh tác.
Năm 2015, Tập đoàn FPT và Tập đoàn Fujitsu thành xây dựng Trung tâm Hợp tác Nông nghiệp thông minh FPT - Fujitsu tại Hà Nội. Trung tâm này ứng dụng công nghệ điện toán đám mây trong ngành thực phẩm và nông nghiệp, nằm trong Hệ thống giải pháp Xã hội thông minh của tập đoàn Fujitsu. Hai mô hình sản xuất được vận hành để trồng thử nghiệm và giới thiệu những loại rau có giá trị gia tăng cao. Những thông tin, hình ảnh về môi trường và khu vực trồng trọt được theo dõi và quản lý không chỉ tại Việt Nam, thậm chí tại Nhật Bản cũng có thể theo dõi và đưa ra hướng dẫn trồng trọt từ xa.
Còn nông trại của gia đình bà Nguyễn Thị Huệ (TP Đà Lạt), mỗi ha đất canh tác cho lãi tới 5 tỉ đồng/năm. Tại nông trại thông minh này, các loại rau, củ, quả tí hon đều được trồng trên những “chiếc giường” gồm hai tầng, mỗi tầng cách nhau 1m. Sản phẩm gồm củ cải đường, cà rốt, cà chua các loại, bí, củ dền… được 3 tháng tuổi thì cho thu hoạch với nhiều màu sắc khác nhau nhằm đáp ứng thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng.
Một thợ sửa điện ở An Giang đã sáng chế chiếc máy phun thuốc bảo vệ thực vật điều khiển từ xa. Người dùng đứng trong bán kính 100m, bấm remote điều khiển là xong. Năm 2015, chiếc máy tự chế của anh Tuấn đạt giải nhất tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh An Giang...
Trong số các thành phần của nông nghiệp 4.0 đang thực hiện, thì hạ tầng cơ sở để có thể ứng dụng kết nối vạn vật (IoT) ở nước ta chưa đồng bộ. Với địa hình và loại cây, con đang sản xuất đa dạng phức tạp, quy mô nông hộ nhỏ lẻ, và trình độ dân trí rất chênh lệch giữa các vùng miền. Vì vậy chúng ta khó có thể đặt mục tiêu giống như Thái Lan trên quy mô tất cả các loại cây, con trên cả nước. Nhưng căn cứ vào kết quả một số mô hình hợp tác quốc tế về nông nghiệp thông minh đối với một số cây như lúa hay rau. Một số mô hình có thể được đề xuất, tùy theo điều kiện từng vùng cho phép có thể xây dựng một số mô hình, đó là: 1) Sản xuất lúa, ngô 4.0 ứng phó với biến đổi khí hậu ở những nơi có đủ điều kiện; 2) Nâng cấp sản xuất rau theo mô hình 4.0 ở Lâm Đồng; 3) Xây dựng mô hình nuôi trồng nấm ăn, nấm dược liệu theo mô hình 4.0; 4) Mô hình chăn nuôi bò sữa, gà, lợn theo mô hình 4.0...
Khi áp dụng theo mô hình 4.0, buộc chất lượng tuân theo tiêu chuẩn quốc tế và cần xây dựng thương hiệu đạt tiêu chuẩn hàng hóa trên thế giới.
Giống như nhiều nước đang phát triển khác, Việt Nam chưa có mô hình nông nghiệp 4.0 hoàn chỉnh. Hiện các khu và các trung tâm nông nghiệp công nghệ cao mới bắt đầu hoạt động. Sự thực thì Việt Nam đang tiếp cận một số thành phần công nghệ cụ thể của Nông nghiệp 4.0, chưa có mô hình hoàn chỉnh, đầy đủ theo khái niệm về nông nghiệp 4.0 của châu Âu và chưa như định hướng của Thái Lan.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Comments
Post a Comment