Nông nghiệp công nghệ cao vẫn ì ạch
HKM FARM | http://hmkfarm.com/tuoi-nho-giot/
Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017, Ban kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Phát triển nông nghiệp Việt Nam chất lượng – hiệu quả".
Tốc độ và khả năng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn rất chậm |
Theo Bộ KH-CN, đến nay, cả nước mới chỉ có 3 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) được Thủ tướng Chính phủ thành lập và 3 địa phương đã xây dựng đề án thành lập khu NNCNC gửi Bộ NN-PTNT để xem xét tổ chức thẩm định; 5 địa phương còn lại thuộc quy hoạch tổng thể khu nông nghiệp CNC đến năm 2020 nhưng chưa chủ động lập hồ sơ để thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Trên thực tế, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp CNC đã được xây dựng và phát triển khắp cả nước như: vùng SX lúa giống, gạo thương phẩm chất lượng cao; vùng SX trái cây hàng hóa theo quy trình VietGAP tự động tưới tiêu, bón phân; vùng SX rau an toàn, rau hữu cơ trong hệ thống nhà màng, nhà kính; vùng chăn nuôi gia súc gia cầm quy mô công nghiệp áp dụng quy trình tự động hóa và tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Bộ NN-PTNT đã thẩm định và công nhận 25 doanh nghiệp nông nghiệp CNC. Trong số 25 doanh nghiệp NNCNC, có 11 DN đầu tư SX giống cây trồng vật nuôi đảm bảo tiêu chuẩn, 14 DN tiên phong trong SX các sản phẩm thực phẩm đảm bảo ATTP.
Theo Bộ NN-PTNT, đến nay, Việt Nam đã ban hành khá toàn diện về cơ chế, chính sách để phát triển NNCNC, điển hình là Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển NNCNC thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 cùng nhiều chương trình ưu đãi, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp vào phát triển nông nghiệp CNC.
Mặc dù vậy, các dự án NNCNC hầu hết đều có quy mô vừa và nhỏ, do đó tác động đối với xã hội về ngành, lĩnh vực chưa lớn. Một số khu NNCNC đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập nhưng tiến độ triển khai xây dựng rất chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính như: thiếu vốn đầu tư; vị trí, quy mô diện tích, các phân khu chức năng vẫn có những bất cập… Bên cạnh đó, nhiều cơ chế chính sách dành cho nông nghiệp CNC còn chưa đi vào thực tiễn.
Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế cũng như một số địa phương phát triển mạnh về nông nghiệp CNC, tiêu biểu như tỉnh Lâm Đồng đã chia sẻ nhiều thông tin về thực trạng, kiến nghị về giải pháp phát triển nông nghiệp CNC trong thời gian tới. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lí, Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát đánh giá: Thời gian qua, nhiều chính sách dành cho nông nghiệp CNC còn nhiều bất cập, điều đó có thể do chính sách chưa ổn hoặc do việc triển khai chưa tốt.
Ông Phát đề nghị thời gian tới, Bộ NN-PTNT cũng như Ban Kinh tế TƯ sẽ tiếp tục rà soát lại về khái niệm nông nghiệp CNC. “Trước đây, nói tới nông nghiệp CNC là chỉ nói tới dáng dấp của nhà kính, nhà lưới, là tự động hóa. Tuy nhiên hiện nay khái niệm ấy ngày càng rộng, bao gồm cả sự kết hợp của nhiều lĩnh vực như sinh học, vật lí, viễn thám, kỹ thuật na-nô. Vì vậy phát triển nông nghiệp CNC tại nước ta giai đoạn tới cũng phải có cách tiếp cận mới” – ông Phát nói.
Theo Nông Nghiệp
Comments
Post a Comment