Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để tăng sức cạnh tranh



Khu thực nghiệm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Việt Đoàn (Tiên Du, Bắc Ninh). Ảnh: Huyền Thu
 Font Size:     |  
Năm 2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh đã xây dựng Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2015-2020”, từng bước ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác.
Tạo thế chân kiềng
Với đặc điểm của vùng đất Kinh bắc đất chật, người đông, mật độ dân số hơn 1.350 người/km2, sản phẩm nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ. Vì vậy để nâng giá trị cho 1 ha đất nông nghiệp, Bắc Ninh coi áp dụng khoa học, công nghệ, nhất là CNC là khâu then chốt để tập trung đầu tư vào ba lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, tạo thế chân kiềng vững chắc.
Trong đó lĩnh vực trồng trọt có nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ đã được đưa vào ứng dụng rộng rãi, nhất là các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ nhà lưới, nhà kính, tưới tự động. Bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung quy mô lớn, cho hiệu quả kinh tế hàng trăm triệu đồng/ha/năm, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác năm 2016 tăng 10,5% so với năm 2010.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 72.430 m2 nhà lưới, 11.000 m2 nhà kính để sản xuất rau, hoa cao cấp; 500 m2 sản xuất khoai tây giống và gần 2.000 m2 sản xuất hoa lan từ giống nuôi cấy mô; sáu mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích khoảng 90 ha. Đặc biệt, Trung tâm sản xuất thực nghiệm nông nghiệp CNC tại xã Viết Đoàn, huyện Tiên Du, với diện tích 16,9 ha, đã tập trung nghiên cứu, sản xuất cung ứng ra thị trường các sản phẩm rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và các loại nấm, nấm dược liệu chất lượng cao bằng công nghệ nuôi cấy mô.
Song hành cùng ngành trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư, nhất là chăn nuôi CNC. Đến nay toàn tỉnh có 42 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ứng dụng công nghệ chuồng kín, xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể Bi-ô-ga, chế phẩm sinh học. Trong đó có năm cơ sở chăn nuôi đã thực hiện tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất; bốn cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn giống. Đi đầu trong lĩnh vực chăn nuôi là Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam, với sáu doanh nghiệp chăn nuôi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC.
Bên cạnh đó, các công nghệ mới về di truyền, sinh học đã được các cơ sở giống ứng dụng rộng rãi để tạo ra các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, như các giống lợn ngoại siêu nạc cao sản ba đến bốn máu; giống ngan, gà, vịt siêu thịt, siêu trứng.
Với lợi thế có các nhánh sông Đuống, sông Cầu và sông Thái Bình chảy qua, việc nuôi cá lồng trên sông cũng phát triển mạnh. Toàn tỉnh hiện có 1.595 lồng cá, cho năng suất bình quân đạt bốn đến sáu tấn/lồng. Sản lượng cá thu hoạch ước đạt hơn 6.400 tấn/năm. Ngoài nuôi cá lồng trên sông, các mô hình nuôi cá thâm canh trong ao đất có sử dụng quạt nước và chế phẩm sinh học xử lý môi trường ao nuôi đã và đang được mở rộng ở nhiều địa phương, giúp cá sinh trưởng phát triển tốt. Đến nay, diện tích nuôi cá thâm canh ứng dụng CNC đạt khoảng 900 ha, chiếm 16,4% diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh.
Phát triển nông nghiệp bền vững
Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, nhưng tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp CNC ở Bắc Ninh vẫn ở quy mô nhỏ. Vì vậy để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, trước hết, các cơ quan chức năng trong tỉnh cần rà soát mở rộng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng tập trung, quy mô lớn, phù hợp điều kiện lợi thế của từng vùng. Song song với việc quy hoạch, cần đẩy mạnh tích tụ ruộng đất theo hướng chuyển nhượng hoặc cho lâu dài, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC.
Hai là, nâng cao năng lực khoa học, công nghệ cho các cơ sở sản xuất, nghiên cứu trên địa bàn, cũng như tăng cường hợp tác với các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước để nghiên cứu thử nghiệm, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, nhất là trong việc đưa các giống cây trồng vật nuôi mới, các quy trình canh tác hiện đại vào sản xuất.
Ba là, trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, doanh nghiệp là đầu kéo, động lực thúc đẩy phát triển. Vì vậy, cần xây dựng những chính sách đặc thù để thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC như miễn giảm tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về vốn vay, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng dự án theo hình thức hợp tác công - tư...
Bốn là, từng vùng, từng địa phương căn cứ vào lợi thế và điều kiện cụ thể để lựa chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi và công nghệ sản xuất phù hợp nhằm tạo ra hiệu quả sản xuất cao nhất; mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích cấy lúa hiệu quả thấp sang trồng các loại cây trồng khác (cây ăn quả, rau, hoa, cây dược liệu) có giá trị kinh tế cao hơn, hoặc phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho nông dân.
Năm là, đẩy mạnh hoạt động tư vấn và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC xây dựng, phát triển các thương hiệu sản phẩm, trước mắt tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của các doanh nghiệp và sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương. Đồng thời tăng cường liên kết, xúc tiến thương mại với các tỉnh, thành phố trong khu vực và TP Hà Nội trong việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC, sản phẩm an toàn để tăng hiệu quả kinh tế và ổn định thu nhập cho nhà nông.
Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp giai đoạn 1997 - 2016 đạt 4,5%/năm. Trong đó, một số sản phẩm chủ lực như lúa tăng từ 39,3 tạ/ha năm 1997 lên 62 tạ/ha năm 2016; thịt hơi tăng từ 29,5 nghìn tấn lên 93,7 nghìn tấn; năng suất thủy sản tăng từ 1,44 tấn/ha lên 6,5 tấn/ha, sản lượng thủy sản tăng từ 6.000 tấn lên 38 nghìn tấn. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha canh tác đạt 108 triệu đồng, gấp 6,4 lần.
Tks & Rg,

Comments

Popular posts from this blog

Vật tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Máng tưới, giá để cây cũng phải nhập khẩu

DN loay hoay với bộ tiêu chí xác định dự án nông nghiệp công nghệ cao

Xây dựng mô hình 6000m2 trồng cà chua công nghệ cao tại Cẩm Mỹ