Mang công nghệ Israel về bản Mông

Chàng trai Mông Giàng A Dạy (SN 1993) đã làm thay đổi tư duy và cách trồng trọt trên rẻo cao Mường Bon, huyện Mai Sơn, Sơn La, khi tiên phong xây dựng và thành công với mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, nhà lưới, ươm giống hiện đại của Israel, đồng thời tích cực ươm mầm tri thức nơi đây.
Trách nhiệm với quê hương
Mường Bon là xã miền núi của huyện Mai Sơn, nằm cạnh Quốc lộ 6, có đồng bào các dân tộc Thái, Kinh, Mông sinh sống. Bao đời nay, cuộc sống đồng bào trông cậy vào cây lúa, cây ngô canh tác trên những thửa ruộng, thửa nương vào mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10, còn mùa khô thiếu nước gần như để đất hoang.
mang cong nghe israel ve ban mong
Giàng A Dạy được vinh danh trong chương trình Thanh niên dân tộc khởi nghiệp thành công
Những điều đó ám ảnh và sớm thôi thúc muốn đổi thay ở cậu bé Giàng A Dạy. Năm 2015, Giàng A Dạy là 1 trong 2 sinh viên xuất sắc của Trường Đại học Tây Bắc được chọn tham gia chương trình tu nghiệp sinh tại quốc gia khởi nghiệp Israel.
Tuy nhiên, khóa tu nghiệp này là chương trình học bổng mở, phía đối tác hỗ trợ thị thực, liên kết nơi thực tập, còn học viên phải tự túc hoàn toàn chi phí vé máy bay di chuyển. Gia đình khó khăn không có tiền, Dạy thuyết phục mẹ vay mượn 30 triệu đồng làm lộ phí đến đất nước xa xôi mà nhiều người bản Mông Mường Bon chẳng thể hình dung nổi để “tầm sư học đạo”.
11 tháng ở xứ người là những ngày Giàng A Dạy nỗ lực học tập và làm việc tại trang trại ươm cây giống của tập đoàn sản xuất rau giống lớn thứ 3 Israel. Dạy tranh thủ thời gian học hỏi, tiếp thu công nghệ tưới nước nhỏ giọt, xây dựng nhà lưới, ươm giống hoa màu... mà cậu nghĩ phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đặc biệt, Dạy mượn ông chủ mảnh vườn rộng 100m2 làm nơi cư trú thực hành sản xuất nông nghiệp, xử lý từ khâu đất, trồng cây theo phương pháp hữu cơ, áp dụng quy trình tưới nhỏ giọt.
“Mảnh vườn nhỏ đó giúp mình hiểu hơn về nông nghiệp hữu cơ, không sử dụng phân bón, không có các tác nhân từ bên ngoài. Những khó khăn mình gặp phải đều được các chuyên gia giải đáp và đó thực sự là những bài học rất quý báu xuất phát từ thực tiễn”, Dạy chia sẻ. Cùng với kiến thức, Giàng A Dạy tích góp được 100 triệu đồng làm vốn để thực hiện ước mơ ấp ủ từ lâu.
Ngày chàng trí thức trẻ Giàng A Dạy học đại học, ra nước ngoài rồi lại trở về Mường Bon làm nông dân trồng rau khiến nhiều người ngỡ ngàng. Bao nhiêu cái lý của người Mông đưa ra để thấy sự ngược đời của Dạy, rằng đi học phải làm công chức, người Nhà nước, rằng người ở nhà vẫn cho lúa trổ bông, cây ngô nảy bắp...
Chia sẻ về quyết định lập nghiệp tại quê hương, Giàng A Dạy cho rằng, có nhiều cơ hội để làm nông nghiệp sạch sau khi đã được tiếp cận, học hỏi công nghệ cao ở Israel. “Mình sinh ra ở bản làng, thấu hiểu và phải có trách nhiệm hơn bất cứ ai. Phải là mình chứ không phải là ai khác khởi nghiệp ở bản làng”, Giàng A Dạy chia sẻ.
mang cong nghe israel ve ban mong
Giàng A Dạy chia sẻ tại chương trình vinh danh thanh niên dân tộc khởi nghiệp
Vườn rau công nghệ Israel
Về bản Rừng Thông khởi nghiệp, Giàng A Dạy bắt đầu làm vườn ươm rộng 100m2với đủ các giống su hào, bắp cải tím, cải thảo, cà chua, củ hồi Israel; cải tạo 3ha đất trồng các loại rau, củ, quả. Không chỉ sản xuất các loại cây trái vụ, lại đúng mùa khô hạn, cách làm vườn, trồng trọt của Dạy cũng khác với cách canh tác bao đời, từ tên gọi “nông nghiệp hữu cơ”, “nông nghiệp không sử dụng hóa chất”... đến việc chặt tre làm nhà lưới, kéo các đường dây tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa.
Cây giống được cậu ươm trên giá thể hữu cơ, kiểm soát được ngày nảy mầm, không bị đứt rễ khi mang đi trồng thay vì cách tra hạt xuống đất truyền thống. Dạy dùng hỗn hợp tỏi, gừng, ớt pha rượu trắng xịt vào cây thay cho chế phẩm bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu. Điều kỳ diệu đã tới, cuối năm 2016, những mảnh nương bản Rừng Thông đúng độ khô hạn cũng là lúc các loại rau trong vườn của Giàng A Dạy tươi xanh mơn mởn. Ngay vụ rau đầu tiên, Dạy đã thu được 50 triệu đồng.
Đến nay, mô hình nông nghiệp hữu cơ của Giàng A Dạy đã mở rộng hơn, trồng đủ các loại rau và canh tác quanh năm; cung cấp rau sạch cho thị trường Sơn La, Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh. Riêng năm 2017, mô hình sản xuất nghiệp hữu cơ của Dạy đạt tổng doanh thu 200 triệu đồng, lợi nhuận tới 150 triệu đồng.
Dạy đã góp phần thay đổi nhận thức và cách canh tác phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên của đồng bào Mông: Mùa khô vẫn có thể canh tác. Cây trồng xanh tốt mà không cần sử dụng hóa chất. Nhiều người dân địa phương đã đến trang trại của Dạy để học tập mô hình trồng rau sạch công nghệ Israel, nhất là những người trẻ của bản làng rẻo cao Mai Sơn. Hiện có 3 thanh niên bản Rừng Thông và 4 thanh niên bản khác cùng triển khai mô hình trồng rau hữu cơ, ứng dụng công nghệ tưới phun mưa và bể nilon...
mang cong nghe israel ve ban mong
Giàng A Dạy đã mang tới cách làm nông nghiệp mới về bản cao Mường Bon
Giàng A Dạy cho hay, một trong những thách thức là nguồn nước vào mùa khô. Để giải bài toán khó này, Dạy đã dự tính đầu tư đào hố phủ bạt trên quả đồi sau nhà để tích trữ 100m3 nước tưới vào mùa thiếu nước, vừa tiết kiệm điện vừa giúp hệ thống tưới nhỏ giọt, phun mưa đạt hiệu quả hơn. Hơn thế, Giàng A Dạy còn đặt mục tiêu thành lập hợp tác xã để liên kết bà con ứng dụng công nghệ trồng rau sạch, tiết kiệm nước, đồng thời tìm thị trường tiêu thụ để góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp của quê hương.
Tiếng Anh cho trẻ em
Giàng A Dạy hiện là Bí thư Chi đoàn bản Rừng Thông, tích cực tổ chức và tham gia nhiều hoạt động vì cộng đồng. Cùng với các đoàn viên khác, Dạy thành lập câu lạc bộ tiếng Anh và trực tiếp đứng lớp dạy miễn phí cho các bạn trẻ và học sinh địa phương. Hiện lớp có 31 người theo học, học vào tối thứ Bảy hằng tuần. Sắp tới, trong thời gian học sinh nghỉ hè, câu lạc bộ cố gắng tổ chức 2-3 buổi học mỗi tuần.
“Nhóm mình mở câu lạc bộ tiếng Anh miễn phí cho các bạn trẻ bản làng nhằm mở mang kiến thức, tự tin giao tiếp người nước ngoài đến du lịch. Mặc dù khả năng tiếng Anh của nhóm chưa tốt, nhưng quan điểm của chúng mình là người biết nhiều dạy cho người biết ít, người biết ít dạy cho người không biết”, Dạy nói. Anh còn tổ chức các cuộc thi có hình thức “Rung chuông vàng” để cung cấp kiến thức và kỹ năng cho các em nhỏ.
Trong vai trò thủ lĩnh, Dạy cùng chi đoàn tổ chức thực hiện hiệu quả việc tạo quỹ thông qua làm nương, mỗi năm được 15 triệu đồng để tổ chức các hoạt động của chi đoàn, như tặng quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn, bị khuyết tật trong bản; ủng hộ đoàn xã hỗ trợ xóa nhà tạm... Chi đoàn phát động các hoạt động tình nguyện tại chỗ để tu sửa công trình phúc lợi như đường liên bản, liên xã, quyét dọn vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, nạo vét kênh mương; giúp các hộ chỉnh trang lại nhà cửa, di dời gia súc, gia cầm ra khỏi gầm nhà sàn…
Với những thành tích làm kinh tế giỏi góp phần phát triển mô hình kinh tế mới, góp phần xóa đói giảm nghèo, tổ chức các hoạt động vì cộng đồng, Giàng A Dạy vinh dự là đại biểu tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ V - năm 2018 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Dạy cũng là 1 trong 23 gương mặt được vinh danh trong chương trình Thanh niên dân tộc khởi nghiệp thành công do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức.

Theo báo: petrotimes.vn

Nhiều người dân địa phương đã đến trang trại của Dạy để học tập mô hình trồng rau sạch công nghệ Israel, nhất là những người trẻ của bản làng rẻo cao Mai Sơn. Hiện có 3 thanh niên bản Rừng Thông và 4 thanh niên bản khác cùng triển khai mô hình trồng rau hữu cơ, ứng dụng công nghệ tưới phun mưa và bể nilon...
Thanh Giang

Comments

Popular posts from this blog

Nâng cao giá trị cà phê Việt

Quả sâm sữa Trung Quốc 'cháy hàng': Chủ vườn Việt thắc mắc

Bỏ lương 20 triệu, liều cầm nhà vay tiền trồng lan, lãi hơn 2 tỷ/năm