Các tỉnh thu hút nguồn nhân lực

Trước tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao, nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL đã có những chính sách cụ thể để thu hút nhân lực.

BẾN TRE: Trung tâm đào tạo chất lượng cao
Ông Võ Thành Hạo - bí thư Tỉnh ủy Bến Tre - cho biết:
Một trong những cách để tạo ra nguồn lực chất lượng cao cho tỉnh Bến Tre trong tương lại là tỉnh đã kéo Đại học Quốc gia TP.HCM về thành lập phân hiệu tại tỉnh vào năm 2016 để thực hiện tiết giảm kinh phí và đào tạo nguồn nhân lực cao nhưng không phải đi xa. 
Về lâu dài, phân hiệu này sẽ trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao cho tất cả các tỉnh Duyên hải phía Đông vùng Tây Nam Bộ. 
Việc đào tạo nhân lực có trình độ cao của tỉnh Bến Tre cũng được xác định rõ ràng cho những ngành có thế mạnh của địa phương như các ngành phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao, ngành du lịch, ngành chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghệ thông tin…
BẠC LIÊU: Chính sách đãi ngộ cụ thể
Tại Bạc Liêu, từ năm 2013 tỉnh đã ban hành chính sách thu hút với những đãi ngộ cụ thể (trợ cấp tiền nửa tỉ đồng cho giáo sư, 400 triệu đồng cho phó giáo sư – tiến sĩ và 300 triệu đồng cho tiến sĩ kèm bố trí chỗ ở khi về công tác ở tỉnh…). 
Bạc Liêu cũng có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh giai đoạn từ nay tới năm 2025 với tổng số vốn khoảng 244 tỉ đồng. 
"Bên cạnh chính sách đãi ngộ thì môi trường làm việc tốt rất quan trọng. Có môi trường làm việc tốt thì người ta mới về với mình bằng nhiệt huyết, bằng lý tưởng. 
Tôi cho rằng để có nguồn nhân lực chất lượng cao ngoài việc thu hút thì phải có lộ trình, có chính sách đào tạo bài bản  nguồn tại chỗ hiện có thì mới đáp ứng được. Nếu không quan tâm thì sẽ không có nguồn lực này" - phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Vương Phương Nam chia sẻ.  
ĐỒNG THÁP: Bố trí nhân lực linh hoạt
Tại Đồng Tháp, nhân lực sau khi được đào tạo tại nước ngoài về làm việc tại địa phương sẽ được bố trí công việc đúng với chuyên ngành đào tạo, sở thích của họ. 
Cụ thể ngoài việc bố trí nhân lực vào các Sở, ngành thì tỉnh Đồng Tháp còn linh động bố trí nhân lực vào làm việc tại các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy hết khả năng, thế mạnh của từng người. 
Cán bộ làm việc trong các cơ quan nhà nước cũng được tạo điều kiện liên kết, làm thêm với doanh nhiệp bên ngoài.
Nhóm giúp việc cho UBND tỉnh Đồng Tháp gồm 12 người được đào tạo từ nước ngoài theo diện Mekong 1000 đang phát huy hiệu quả tích cực khi giúp tỉnh định hướng, đề xuất thiết thực vào các lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị…
"Họ là những người chủ động nắm thông tin chứ không chờ xử lý thông tin theo kiểu hành chính truyền thống. Họ phát huy được những tiềm năng của mình đến mức tối đa" - ông Lê Minh Hoan - bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp - chia sẻ.

Theo báo Tuổi Trẻ

Comments

Popular posts from this blog

Nâng cao giá trị cà phê Việt

Quả sâm sữa Trung Quốc 'cháy hàng': Chủ vườn Việt thắc mắc

Bỏ lương 20 triệu, liều cầm nhà vay tiền trồng lan, lãi hơn 2 tỷ/năm