Sơn La: Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao

ỉnh Sơn La đang tập trung chỉ đạo xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tham gia đầu tư.
Nông sản Sơn La được người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng
Nông sản Sơn La được người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng
Phát huy thế mạnh từ tiềm năng lớn
Là tỉnh miền núi vùng Tây Bắc, Sơn La có diện tích tự nhiên trên 1,4 triệu ha, điều kiện tự nhiên phong phú, đất đai màu mỡ, rất thích hợp để phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
Với diện tích hơn 900.000 ha đất nông nghiệp, có điều kiện thuận lợi đầu tư phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; 2 cao nguyên lớn là Mộc Châu và Nà Sản, Sơn La có lợi thế lớn về nông nghiệp nhờ đất đai phì nhiêu, thuận lợi trồng rau, cây công nghiệp như mía, cà phê, cao su và các giống cây ăn quả như xoài, nhãn, na, dứa, chuối… 
Phát huy những lợi thế sẵn có, trong những năm qua, Sơn La đã đẩy mạnh phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đã tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất theo hướng tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi vốn là lợi thế của địa phương, có khả năng cạnh tranh, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu thị trường, trong đó, kết hợp tăng cường công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao như nhãn, bơ, hồng giòn, cây ăn quả có múi sạch bệnh, cà phê… với các quy trình công nghệ canh tác mới đã được các tổ chức, đơn vị chuyển giao rộng rãi cho nông dân trong tỉnh áp dụng thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, Sơn La đã xây dựng thành công mô hình tưới nhỏ giọt công nghệ Israel kết hợp với bón phân hòa tan đối với cây cà phê và từng bước mở rộng tưới cho cây chè, cây ăn quả. Đến nay, toàn tỉnh có 10.500 ha cây ăn quả an toàn, chiếm hơn 30% tổng diện tích cây ăn quả trong toàn tỉnh; trong đó, trên 4.000 ha nhãn ghép, gần 800 ha xoài ghép cho thu nhập từ 300 - 700 triệu đồng/ha/năm, ngoài ra, còn có hơn 100 ha rau, 110 ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP. 
Cùng với đó, công nghệ sinh học đã được ứng dụng thành công trong bình tuyển, chọn lọc, lai tạo các giống bò, lợn của địa phương, tạo ra con giống có chất lượng cao, sức đề kháng tốt, phục vụ phát triển chăn nuôi, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh. Trong lĩnh vực thủy sản, ngoài mô hình nuôi cá tầm theo quy mô công nghiệp, việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong nuôi cá lồng trên các lòng hồ thủy điện được triển khai rộng rãi. Đáng chú ý, giống cá lăng chấm, chép lai 3 máu, rô phi siêu đực và một số thủy sản đặc sản đã được sản xuất thành công để đưa ra nuôi thương phẩm; góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Nhiều mô hình nuôi thủy sản có thu nhập bình quân mỗi năm 2 tỷ đồng/ha mặt nước.
Đặc biệt, thời gian qua, Sơn La đã tích cực tổ chức Tuần hàng nông sản, thực phẩm an toàn Sơn La tại Hà Nội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, với sự tham gia của 20 doanh nghiệp tại Sơn La với trên 40 sản phẩm. Trong đó, các loại quả như nhãn, xoài, na, hồng giòn, bơ... là sản phẩm có chất lượng, thương hiệu, có giá trị cạnh tranh cao trên thị trường.
Tiếp tục ứng dụng công nghệ cao 
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế nông sản của địa phương, đầu năm 2017, các cơ quan chức năng của tỉnh đã làm việc với một số đơn vị nghiên cứu khoa học để hoàn thiện mối liên kết "bốn nhà"; rà soát quy hoạch phát triển từng loại cây ăn quả; ứng dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch… Tỉnh cũng dành 11 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng và công bố thương hiệu hai sản phẩm là nhãn Sông Mã và cà phê Sơn La…
Nhận thức những tiềm năng lớn của Sơn La, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nông nghiệp công nghệ cao cho địa phương này như TH True Milk, Công ty CP Mộc Châu… Các doanh nghiệp này đã liên tục sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, được người tiêu dùng lựa chọn tin dùng. Đặc biệt, việc áp dụng thành công quy trình chăn nuôi bò sữa an toàn VietGAP đã giúp thương hiệu sữa Mộc Châu của tỉnh được người tiêu dùng trong cả nước đánh giá cao. Từ đó, công ty đã đẩy mạnh phát triển đàn bò sữa, không ngừng đổi mới dây truyền, thiết bị và công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm sữa các loại và thức ăn chăn nuôi.
Mục tiêu từ nay đến năm 2020, Sơn La đẩy mạnh xây dựng và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trọng tâm là sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có năng suất, chất lượng và giá trị cao; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Trong đó, tập trung phát triển các vùng sản xuất lúa, rau, quả, chè, cà phê an toàn, vùng sản xuất mía sử dụng công nghệ tưới tự động, tiết kiệm nước, vùng sản xuất rau, hoa, dược liệu trong nhà kính, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản an toàn; thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp có năng lực đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 15-20% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. 
Sơn La hiện có 5 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ, gồm: Chè shan tuyết, chè ô long, xoài, mật ong, rau an toàn. Năm 2015 - 2016, Sơn La là một trong 10 tỉnh đứng đầu cả nước về an toàn thực phẩm nông sản. 86 sản phẩm được chứng nhận VietGAP với 36 chuỗi sản xuất liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định.

Theo báo: xaluan.vn

Comments

Popular posts from this blog

Nâng cao giá trị cà phê Việt

Quả sâm sữa Trung Quốc 'cháy hàng': Chủ vườn Việt thắc mắc

Bỏ lương 20 triệu, liều cầm nhà vay tiền trồng lan, lãi hơn 2 tỷ/năm