Gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao đang được các ngân hàng triển khai ra sao?

Mới đây, Ngân hàng nhà nước phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức buổi tọa đàm nhằm hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc liên quan đến việc xác định các tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Thực hiện theo chỉ đạo của Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ về việc triển khai gói tín dụng khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định 738 ngày 14/3/2017 quy định tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp. Tiếp theo ngày 24/4/2017, NHNN đã ban hành Quyết định 813/QĐ-NHNN chỉ đạo các NHTM triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Sau 6 tháng triển khai, theo số liệu của ông Trần Văn Tần, Phó Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN chương trình này đã đạt được những kêt quả tích cực. Trong đó dư nợ của ngành ngân hàng với lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đã đạt 36.000 tỷ đồng, dư nợ chủ yếu cho vay đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gần 31.286 tỷ đồng. Lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 5,3-6,5%/năm, cho vay trung dài hạn khoảng 8,5-10%/năm.
Gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao đang được các ngân hàng triển khai ra sao? - Ảnh 1.
Ông Trần Văn Tần - Phó Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN khai mạc Tọa đàm.
Hiện đã có 8 ngân hàng thương mại như Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển, Ngân hàng TMCP Ngoại thương, Ngân hàng TMCP Công thương,.. cam kết dành nguồn vốn 135.000 tỷ đồng để cho vay các dự án công nghệ cao trong nông nghiệp có hiệu quả; đồng thời đã có văn bản chỉ đạo triển khai trên toàn hệ thống và xây dựng các sản phẩm tín dụng mới phục vụ phát triển cho vay đối với lĩnh vực này. 
Đặc biệt, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là ngân hàng tiên phong, chủ động dành nguồn vốn tối thiểu 50.000 tỷ đồng để cho vay; có chính sách giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1,0-1,5%/năm so với lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên việc triển khai cho vay vốn còn gặp phải một số khó khăn nhưViệc cho vay đối với khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều do số lượng doanh nghiệp còn hạn chế. Việc đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn, nhưng nhìn chung các doanh nghiệp chưa có nguồn lực tài chính tốt, chưa thực sự sẵn sàng tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách bài bản, chưa có phương án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả và phương án trả nợ vay chưa khả thi, thị trường tiêu thụ không ổn định,...
Bên cạnh đó, do hiện tại đang là thời gian đầu triển khai chương trình, nhiều khách hàng đang tìm hiểu về chương trình nên chưa nộp hồ sơ vay vốn.
Các tiêu chí xác định dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn chung chung, chưa phù hợp, NHTM khó xác định đối tượng thụ hưởng chính sách. Quyết định 738 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp nhưng chưa quy định cơ quan nào xác nhận các tiêu chí đó của dự án (ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh,…), nên NHTM thiếu căn cứ để xác định cho vay theo Chương trình.
Ngoài ra, còn có khó khăn liên quan đến việc người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp để làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng; chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi ảnh hưởng đến việc mở rộng cho vay của các NHTM.
Để đẩy mạnh triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai chương trình như vấn đề quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch phù hợp với năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường, vấn đề bảo hiểm trong nông nghiệp, thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp tạo điều kiện cho khách hàng làm thủ tục thế chấp vay ngân hàng.
Ngoài ra các đại biểu tham dự tọa đàm cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí xác định dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tạo điều kiện cho các NHTM đẩy nhanh quá trình thẩm định và xem xét cho vay theo chương trình; giới thiệu những dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch có hiệu quả trên toàn quốc để NHNN chỉ đạo các NHTM tiếp cận, thẩm định và cho vay.

Theo cafebiz.vn

Comments

Popular posts from this blog

Nâng cao giá trị cà phê Việt

Quả sâm sữa Trung Quốc 'cháy hàng': Chủ vườn Việt thắc mắc

Bỏ lương 20 triệu, liều cầm nhà vay tiền trồng lan, lãi hơn 2 tỷ/năm