Skip to main content

Long An ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới

(ĐCSVN) – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, địa phương này đang tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.

Theo đó, Long An tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, từng bước đưa công nghệ cao vào sản xuất theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững, gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, các đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác, các hình thức liên kết, hợp tác gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản, hỗ trợ hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững; tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh ở nông thôn, tham gia xây dựng nông thôn mới, chú trọng đào tạo, tạo việc làm cho lao động nông thôn, từng bước chuyển dịch lao động nông thôn theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động nông nghiệp. Đồng thời, tỉnh xây dựng Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế một số cây trồng, vật nuôi lợi thế của địa phương.

Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất mang lại giá trị cao cho cây trồng ở Long An
(Ảnh: NS)
Theo đề án, tỉnh Long An chọn 3 cây trồng, 1 vật nuôi để thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào các khâu chính (giống, canh tác, sau thu hoạch) phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh: 20.000ha sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao trong vùng lúa cao sản xuất khẩu gần 40.000ha ở các địa phương vùng Đồng Tháp Mười; 2.000ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại huyện Châu Thành; 2.000ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại 3 huyện là Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.Tân An; vùng chăn nuôi bò thịt 500-1.000 con theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Đức Hòa và Đức Huệ.
Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Long An cũng tập trung cho công tác đào tạo nghề lao động nông thôn đạt hiệu quả cao, theo đó tiếp tục phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của học nghề đối với tạo việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống, từ đó, thu hút lao động nông thôn tham gia học nghề; hướng dẫn các địa phương trong tỉnh rà soát, điều chỉnh danh mục ngành nghề, kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với nhu cầu người học, doanh nghiệp, yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương: “Không tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của lao động sau học nghề”.
Bên cạnh đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Long An sẽ huy động các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có điều kiện tham gia đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung ngành nghề đào tạo, chỉnh lý, biên soạn chương trình phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, thị trường lao động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng và nhân rộng các mô hình đào tạo nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tăng cường mối liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông; có chính sách khuyến khích lao động nông thôn sau học nghề tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã để có điều kiện tăng năng suất, nâng cao chất lượng, sức cạnh cạnh của hàng hóa nông sản, qua đó có được thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững”./.
Theo báo: dangcongsan.vn

Comments

Popular posts from this blog

Nâng cao giá trị cà phê Việt

Quả sâm sữa Trung Quốc 'cháy hàng': Chủ vườn Việt thắc mắc

Bỏ lương 20 triệu, liều cầm nhà vay tiền trồng lan, lãi hơn 2 tỷ/năm