Lâm Đồng chấp thuận dự án nông nghiệp công nghệ cao của Dalat Hasfarm

 UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chấp thuận cho Công ty TNHH Dalat Hasfarm thực hiện dự án nông nghiệp công nghệ cao.
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chấp thuận cho Công ty TNHH Dalat Hasfarm (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) thực hiện dự án đầu tư trồng rau, hoa và sản xuất giống hoa công nghệ cao với tổng kinh phí 337,5 tỷ đồng (tương đương 15 triệu USD).
Dự án được đầu tư tại xã Phúc Thọ với tổng diện tích 29,4 ha, nhằm cung cấp hoa, giống hoa và rau các loại cho thị trường. Quy mô của dự án bao gồm 21,2 ha nhà kính trồng rau hoa các loại. Diện tích còn lại là các công trình phụ trợ như văn phòng, kho xưởng, hồ chứa nước, đường giao thông, khu vực cảnh quan, khuôn viên cây xanh…
Dự kiến từ nay đến cuối năm 2017, dự án nhận bàn giao đất, làm các thủ tục đầu tư, nhập khẩu và lắp đặt 5 ha nhà kính. Các năm còn lại (2018, 2019 và 2020) tiếp tục lắp đặt 5 ha nhà kính mỗi năm, đồng thời xây dựng hoàn thành các công trình phụ trợ khác. Đến tháng 1/2021, dự án chính thức đi vào hoạt động ổn định sản xuất, kinh doanh.
Theo công suất thiết kế, khi đi vào hoạt động, dự án có năng lực sản xuất mỗi năm 250 triệu cây giống hoa, 50 triệu cành hoa, lá trang trí và 400 tấn rau thương phẩm cho thị trường trong và ngoài nước.
Lâm Đồng chấp thuận dự án nông nghiệp công nghệ cao của Dalat Hasfarm - ảnh 1

Lâm Đồng là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: báo Lâm Đồng

Ở diễn biến có liên quan trước đó, vào ngày 10/10, Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT đã có buổi làm việc về tình hình triển khai thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo cơ hội thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có tính cạnh tranh cao và bền vững.
Tuy nhiên, ông Lê Quốc Doanh cũng cho rằng: “Cơ hội đi đôi với thách thức, phải thẳng thắn rằng, hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ đối với ngành nông nghiệp chưa đồng bộ, quy mô đồng ruộng manh mún; kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp. Đó là chưa kể đến các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp còn rất hạn chế".
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương chỉ ra một thực tế, hiện nay người dân thực sự chưa hiểu hết thế nào là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch…
Một số ý kiến cho rằng, nên gọi thực chất hơn về nông nghiệp có yếu tố công nghệ cao, đó là nông nghiệp công nghệ cao thích ứng. Ông Phạm Đại Dương nêu ví dụ về phát triển nông nghiệp ở Lâm Đồng. Với lợi thế khí hậu, Lâm Đồng phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo cách riêng, không cần quá cầu kỳ nhà kính hiên đại, họ chỉ cần bạt nylon phủ song vẫn rất phát triển tốt. Đa số công nghệ tự thân của tỉnh được tận dụng tối đa tại địa phương này. Đây là mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao đáng để học hỏi.
Tại buổi làm việc, Bộ NN&PTNT cũng đưa ra kiến nghị đề xuất với Bộ KH&CN. Cụ thể: Ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, có khả năng tương thích với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ; thúc đẩy phát triển công nghệ trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp, chế biến sâu phục vụ sản xuất chế biến sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc đào tạo nhân lực chuyên môn về sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp với đầy đủ kỹ năng trong sử dụng, vận hành các thiết bị tự động, thiết bị số. Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị cần liên kết chặt chẽ giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ và người sản xuất nông nghiệp trong việc triển khai ứng dụng các công nghệ liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0.
Phong Lâm
Source: vietq.vn

Comments

Popular posts from this blog

Nâng cao giá trị cà phê Việt

Quả sâm sữa Trung Quốc 'cháy hàng': Chủ vườn Việt thắc mắc

Bỏ lương 20 triệu, liều cầm nhà vay tiền trồng lan, lãi hơn 2 tỷ/năm