Định hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao

(HNM) - Do đặc thù địa lý, đất đai, thị trường, Hà Nội lựa chọn phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái. Bước đầu, đã hình thành một số vùng, trang trại, khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cho kết quả khả quan, qua đó tạo tiền đề quan trọng để Hà Nội tiếp tục thực hiện lộ trình đã đề ra...
 
Dây chuyền sản xuất trứng sạch công nghệ cao tại Công ty TNHH Ba Huân (huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Ảnh: Hải Anh

Hiệu quả từ những mô hình đầu tiên


Đến thăm trang trại sản xuất rau, trứng sạch theo công nghệ Nhật Bản của Tập đoàn Lạc Hòa tại xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) sẽ thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành Nông nghiệp Thủ đô những năm gần đây.

Đặc điểm điển hình của trang trại là sử dụng công nghệ sản xuất rau hữu cơ theo phương pháp của Nhật Bản. Không chỉ phát triển các loại rau thông thường như các loại xà lách, cải, muống, chân vịt…

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Trương Cao Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lạc Hòa cho biết: Để làm được nông nghiệp công nghệ cao, ngoài nguồn kinh phí, các doanh nghiệp rất cần sự chia sẻ của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ kỹ thuật của các nhà khoa học. Hiện các sản phẩm của Tập đoàn được tiêu thụ khá tốt tại các thị trường trong và ngoài nước...

Hiện nay, với nông dân thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), cây rau đang cho giá trị cao. Là người trực tiếp canh tác, chị Nguyễn Lan Anh, ở thị trấn Chúc Sơn chia sẻ: Những năm gần đây, được sự giúp đỡ của ngành Nông nghiệp và UBND huyện Chương Mỹ, mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống quan trắc thời tiết trong sản xuất rau an toàn đã cho hiệu quả khả quan.

"Khu sản xuất rau an toàn có Trạm thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G với hệ thống quan trắc và camera truyền hình ảnh về khu nhà điều hành. Hệ thống này cho phép cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất...", Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Hoàng Văn Thám cho biết.

Ngoài những mô hình trên, thành công lớn nhất đối với việc triển khai nông nghiệp cao chính là các mô hình trồng hoa tại Hà Nội. Theo Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT) Nguyễn Thị Thoa, với diện tích khoảng 2.700ha đất trồng hoa, đến nay thành phố đã hình thành được 50 vùng sản xuất tập trung chuyên canh với quy mô hơn 20ha tại các huyện: Mê Linh, Đan Phượng và các quận: Tây Hồ, Bắc Từ Liêm… cho thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Các mô hình này đều được triển khai ứng dụng công nghệ cao...

Nhiều ưu đãi thu hút doanh nghiệp

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố đã hình thành một số cơ sở triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản cho năng suất, chất lượng, giá trị cao. Với cây hoa, có khoảng 110ha ứng dụng công nghệ cao trong khâu sản xuất giống, tưới nước tiết kiệm, sử dụng nhà màng, nhà lưới, điều khiển nhiệt độ, ánh sáng... Đối với cây ăn quả, đã có gần 950ha được ứng dụng công nghệ cao trong nuôi cấy mô lựa chọn giống và bao buồng, tưới nước... Trong lĩnh vực chăn nuôi, sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo đối với bò, lợn... Đặc biệt, nhiều cơ sở đã nhập các giống gà, lợn từ nước ngoài nhằm cải thiện chất lượng đàn giống trong nước...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp, số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội vẫn còn hạn chế. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn thành phố mới đạt 25%. Trong đó, các sản phẩm: Lúa, ngô, rau, hoa, cây ăn quả, chè... đạt tỷ lệ 17,9%; chăn nuôi đạt 33,5%; thủy sản 13%...

Để đẩy mạnh nền nông nghiệp công nghệ cao, GS Nguyễn Lân Hùng - chuyên gia sinh học nông nghiệp cho rằng, Hà Nội cần có chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng các mô hình, đặc biệt là các mô hình gắn với du lịch sinh thái. Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Phạm Văn Khương nêu ý kiến: Hà Nội nên phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo các tiểu vùng sinh thái phù hợp, tập trung phát triển tại các vùng đất bãi. Trong bối cảnh đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, không nhất thiết phải xây dựng những mô hình quy mô lớn, mà ưu tiên phát triển phân khúc có giá trị gia tăng cao như: Con giống, cây giống; công nghệ sơ chế, chế biến nông sản...

Với vai trò "nhạc trưởng" trong định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã có nhiều chủ trương, chính sách thu hút doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Điển hình là Nghị quyết 03/2015/ NQ-HĐND ngày 8-7-2015 của HĐND thành phố về một số chính sách thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết 25/2013/ NQ-HĐND ngày 4-12-2013 của HĐND thành phố về chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung TP Hà Nội giai đoạn 2014-2020. Các nghị quyết đều nhấn mạnh về hỗ trợ xây dựng hạ tầng, quỹ đất, xúc tiến xây dựng thương hiệu sản phẩm…

Từ những động thái tích cực của thành phố và địa phương về hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, có thể kỳ vọng về nền nông nghiệp Thủ đô sẽ có bước đi vững chắc trong xu thế hội nhập.

Theo báo Hanoimoi

Comments

Popular posts from this blog

Nâng cao giá trị cà phê Việt

Quả sâm sữa Trung Quốc 'cháy hàng': Chủ vườn Việt thắc mắc

Bỏ lương 20 triệu, liều cầm nhà vay tiền trồng lan, lãi hơn 2 tỷ/năm